Google Maps đã đóng góp không nhỏ trong việc phát triển cộng đồng du lịch và phượt tại Việt Nam. Đặc biệt, khi đi tour cào cào, Google Maps trở nên cực kỳ quan trọng. Trong bài viết này, mình phân tích và so sánh một số setup dùng đê đẫn đường khi đi tour mô tô mà các anh em hay dùng.

Setup hệ thống dẫn đường của các anh em khi đi tour

Khi anh em đi tour, việc setup hệ thống dẫn đường là rất quan trọng để đảm bảo chúng ta đi đúng hướng và tránh lạc đường. Phương pháp phổ biến nhất vẫn là sử dụng smartphone và ứng dụng Google Maps để dẫn đường.

Smartphone và Google Maps

Tất nhiên ngày nay thì ai cũng đã có sẵn một cái smartphone, với google maps được cài sẵn. Bản thân mình cũng đang sử dụng điện thoại và google maps để dẫn đường. Google Maps cung cấp bản đồ có độ chính xác rất cao và tính năng dẫn đường turn-by-turn giúp chúng ta biết chính xác lúc nào cần rẽ trái, rẽ phải và tiếp tục thẳng.

Ngoài ra, Google Maps còn cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và dự báo kẹt xe, giúp chúng ta điều chỉnh lộ trình để tránh lưu lượng xe tắc nghẽn. Với tính năng tìm kiếm khách sạn, nhà hàng, địa điểm.. trên Google Maps, gần như là mình không cần phải plan trước tour phải đi đâu và đến chỗ cụ thể nào. Dắt xe lên gài điện thoại vô rồi đi thôi.

Thiết bị dẫn đường chuyên dụng

Tuy nhiên, nếu anh em muốn trải nghiệm một hệ thống dẫn đường cao cấp hơn và không phụ thuộc vào kết nối internet, có thể sử dụng các thiết bị dẫn đường chuyên dụng như Garmin.

Garmin là một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực thiết bị định vị và dẫn đường. Thiết bị Garmin có thể cài đặt sẵn các bản đồ và dữ liệu định vị trên đó, giúp chúng ta dẫn đường một cách chính xác mà không cần phải kết nối internet. Điểm mạnh của Garmin là thiết bị nhỏ gọn, pin sử dụng lâu và chống nước, phù hợp cho các chuyến đi dài và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, thiết bị Garmin có màn hình nhỏ hơn so với smartphone và có thể hạn chế khả năng theo dõi và tương tác với bản đồ.

Ngoài ra, một số xe ADV cao cấp hiện nay đã được trang bị sẵn các thiết bị dẫn đường tích hợp. Những thiết bị này thường được tích hợp trên bảng điều khiển của xe và có thể được điều khiển thông qua các nút bấm hoặc màn hình cảm ứng. Việc có thiết bị dẫn đường tích hợp trên xe giúp chúng ta tiện lợi hơn khi điều khiển và không cần phải dựa vào điện thoại di động hoặc thiết bị bên ngoài khác. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là giá thành cao và chỉ áp dụng cho những xe ADV tiền tỉ.

  1. BMW Motorrad Navigator: hệ thống dẫn đường tích hợp trên các dòng xe adventure của BMW, có thiết kế chuyên dụng cho việc đi mô tô, với màn hình lớn, chống nước, và tính năng định vị GPS chính xác, cung cấp các chức năng như dẫn đường turn-by-turn, hiển thị thông tin giao thông, và kết nối Bluetooth để kết nối với tai nghe hoặc điện thoại di động.
  2. KTM My Ride: cho phép người lái kết nối điện thoại thông minh với màn hình điều khiển trên xe thông qua kết nối Bluetooth. Người lái có thể sử dụng ứng dụng KTM My Ride trên điện thoại để truy cập các tính năng dẫn đường, nhận thông báo cuộc gọi, tin nhắn, và điều khiển âm nhạc trên xe.
  3. Triumph TFT Connectivity System: Triumph cũng tích hợp hệ thống dẫn đường trên một số mẫu xe adventure của họ thông qua công nghệ TFT Connectivity System. Hệ thống này cho phép người lái kết nối điện thoại thông minh với màn hình TFT trên xe để hiển thị thông tin định vị và các chức năng dẫn đường. Ngoài ra, nó cũng cung cấp các thông báo thông qua màn hình và điều khiển từ xa trên xe.

Tuy nhiên, do các thiết bị của BMW, KTM và Triumph không phải là lựa chọn cho số đông (không có ra chợ mua rồi gắn lên xe nào cũng được, nên mình sẽ không so sánh hay nhắc đến nhiều nữa).

Trải nghiệm của mình với Garmin Extrex 20 và Garmin Montana

Sau khi hỏng khoảng 4 cái điện thoại, do dầm mưa dãi nắng khi đi tour, thì mình cũng mua thử 1 cái Etrex 20 và một cái Montana, lúc đó hình như tổng 2 cái cũng khoảng gần 14 triệu đồng. Ngoài việc pin trâu và thiết kế như nokia (chọi chó lỗ đầu), thì gần như 2 cái máy này… tệ hơn điện thoại về mọi mặt, với nhu cầu sử dụng của mình.

  • Map và bản đồ phải được plan trước, vẽ bằng Garmin basecamp, trên máy tính, sau đó transfer qua thiết bị bằng cap.
  • Trong chuyến đi xuyên Việt 25 ngày của mình, tối nào cũng phải mượn laptop của khách sạn để vẽ bản đồ bằng google maps, sau đó xuất qua basecamp, rồi mới xuất qua được thiết bị.
  • Thiết kế nút bấm cực kỳ nhỏ và khó bấm bằng tay.
  • Màn hình cực kỳ nhỏ.
  • Không thể thao tác tìm địa điểm, plan route mới bằng cái màn hình nhỏ xíu hoặc mấy cái nút bấm đó được.
  • Giá đắt bằng hoặc hơn điện thoại.

Vì mấy lí do trên nên 2 cái thiết bị sau này không xài mấy, chủ yếu chỉ dùng cho mỗi mục đích bật lên để ghi tracklog, sau đó bỏ ba lô từ đầu tour tới cuối tour, về nhà thì lấy ra để save tracklog.

Tiêu chíĐiện thoại thông minhThiết bị định vị chuyên dụng
Giárẻđắt
Màn hìnhCảm ứng, to, dễ sử dụngĐa dạng tùy chọn, cảm ứng thì rất đắt
Bản đồGoogle Mapsphải tải riêng
Pintrung bìnhlâu
Định vị GPSChính xác tương đốiChính xác hơn
Dò tìm địa điểmKhông
Bền, chống nướcTương đốirất bền

Nên sử dụng điện thoại hay thiết bị định vị chuyên dụng?

Nếu bạn đã có smartphone, thì hãy dùng smartphone. Nếu bạn đã có xe ADV được trang bị sẵn thiết bị dẫn đường chuyên dụng, thì nên dùng mấy cái có sẵn. Đừng tốn tiền cho Garmin hay Trailtech làm gì.

Một số ứng dụng dẫn đường cho smartphone phổ biến

Google Maps

Google Maps là một ứng dụng dẫn đường phổ biến và được cài sẵn trên hầu hết các điện thoại smartphone. Nó có độ chính xác cao với bản đồ đường đi và cung cấp nhiều loại bản đồ khác như bản đồ vệ tinh và bản đồ Topography, hữu ích cho những người chơi cào cào địa hình. Google Maps cung cấp tính năng dẫn đường turn-by-turn (chỉ sử dụng trên đường nhựa), thông tin về tình trạng giao thông và dự báo kẹt xe. Tuy nhiên, một số tính năng này khiến ứng dụng trở nên nặng và đòi hỏi cấu hình cao, tiêu tốn năng lượng pin và có độ chính xác định vị kém khi tín hiệu điện thoại yếu.

Maps.me

Maps.me là một ứng dụng bản đồ nhẹ nhàng, được thiết kế đặc biệt cho người đi du lịch. Người dùng có thể tải bản đồ vào ứng dụng để sử dụng mà không cần kết nối internet. Đối với người chơi cào cào địa hình, tính năng quan trọng nhất của Maps.me là khả năng tải và sử dụng các file bản đồ .kml và .klz. Maps.me tiết kiệm năng lượng pin, tương thích với các điện thoại cấu hình thấp và có khả năng xác định vị trí tương đối chính xác ngay cả khi không có tín hiệu mạng. Đây cũng là ứng dụng được sử dụng bởi nhiều người hướng dẫn viên tại Chrunix và Tigit khi dẫn tour.

Rever

Rever khác biệt với những ứng dụng bản đồ thông thường bởi nó có thiết kế giống mạng xã hội. Người dùng có thể chia sẻ tracklog và lộ trình đã đi qua với bạn bè trên Rever. Bạn bè kết bạn trên Rever có thể theo dõi vị trí thực của bạn trên bản đồ, giúp quản lý nhóm đi tour dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để tải về bản đồ và chỉnh sửa, người dùng cần đóng một khoản phí đăng ký thuê bao cho Rever.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *