Giải đua xe địa hình tại Mũi Dinh 2023 gần như đã có thể trở thành niềm vui và mang lại nhiều khoảnh khắc đẹp cho nhiều anh em trong cộng đồng chơi xe cào cào và xe địa hình, nếu không có những mất mát và thiệt hại xảy ra trong trong thời gian diễn ra sự kiện.

Bài viết được viết dưới góc nhìn của một người chơi trong cộng đồng, đã tham gia giải đua, đã từng tổ chức sự kiện cào cào.

Rủi ro lớn hơn tưởng tượng

Trong cộng đồng chơi xe cào cào nói riêng, ở khả năng người viết bài có thể quan sát được, thì tư tưởng về an toàn và rủi ro gần như được mặc định bỏ qua, ở cả hai phía người chơi và ban tổ chức. Có thể nói nôm na, luật bất thành văn của môn chơi này, mà mọi người đều đồng tình là: “có chơi có chịu!”

Cào cào vốn dĩ đã là môn chơi mạo hiểm, và bản thân người chơi cũng đã tự hiểu và tự chịu những rủi ro mà mình có thể gặp phải trong cuộc chơi. Ban tổ chức, hiểu được tư tưởng của những anh em trong nhóm chơi, với mục đích chỉ muốn tạo sân chơi chung, mà không cần phức tạp hóa vấn đề lên nhiều lần, đặt trọng tâm là ngày, giờ, địa điểm và đường đua.

Đáp ứng các tiêu chí trên, giải đua ra đời với ngày giờ cụ thể và 3 track đua cho 3 hạng mục với quãng đường và độ dài khác nhau. Độ dài của đường đua chuyên nghiệp là 25km qua nhiều loại địa hình phức tạp và cam go, đảm bảo đủ adrenaline cho những người chơi lâu năm.

Điều mà cả người chơi và ban tổ chức không nhận thấy, là giữa hoạt động hội nhóm so với một giải đua ở một khu vực cực kỳ rộng lớn như thế này, mức độ rủi ro tăng cao lên rất nhiều lần. Ở hoạt động hội nhóm, với quy mô nhỏ, số lượng thành viên nhỏ, sân chơi do mọi người tự tạo nên và tự quản lý, nên rủi ro thường thấy chỉ nằm trong tai nạn và chấn thương trong cuộc chơi. Ít nhất, đồng đội luôn có mặt ở bên cạnh bạn để hỗ trợ ngay lập tức.

Vậy tham gia giải đua thì có khác gì?

Tổ chức giải đua – phát triển cộng đồng không đơn giản

Đã từ lâu các giải đua cào cào luôn được tổ chức với mức kinh phí tối thiểu. Là một môn chơi rất kén người chơi và người xem, việc xin tài trợ rất khó khăn. Ban tổ chức nhiều lần cũng phải tự chi tiền cá nhân ra để hỗ trợ tổ chức giải đua. Cả người chơi và người xem, cũng không muốn phải chi tiền quá nhiều cho một hoạt động phong trào.

Cộng đồng người chơi ít, số lượng tham gia quá ít, phí đăng ký đua thấp, người xem không tính tiền, nên đa phần các giải đua được tổ chức với kinh phí dính trong kẽ răng.

Cũng vì lý do trên, ngoài tiền để chi cho việc vận động tham gia, chi phí cho giải thưởng, ăn uống và hoạt đồng truyền thông, hiếm có giải đua nào được trang bị tốt về nhân lực vận hành, để có khả năng bao quát và hỗ trợ cho người tham gia ở một khu vực đua rộng lớn như Mũi Dinh.

Thiếu ngân sách – tăng rủi ro

Từ việc thiếu hụt ngân sách tổ chức, dẫn đến sự khác biệt về mức độ rủi ro giữa hoạt động hội nhóm so với giải đua:

Một phần lớn của đường đua không có ai quan sát và hỗ trợ các tay đua gặp nạn hoặc mắc kẹt.

Người tham gia được cho ra thi đấu trên một khu vực rộng lớn, mà không có một thiết bị hỗ trợ gì, không có kế hoạch backup, không có giải pháp để tìm kiếm hỗ trợ những người bị mắc kẹt.

Trong trường hợp rủi ro và tai nạn, các tay đua phải dựa vào người thân, bạn bè để hỗ trợ từ đường đua ra đến cơ sở y tế gần nhất. Hoàn toàn không có hỗ trợ y tế ngay tại khu vực đua.

Việc tai nạn xảy ra thì dường như giải đua nào cũng có. Nhưng tai nạn ở mức độ nghiêm trọng và số lượng nhiều như thế này, thì đây là giải đua đầu tiên mà mình quan sát thấy.

Và câu chuyện buồn , là cộng đồng chơi xe cào cào đã phải chia tay một thành viên lâu năm, một người bạn cùng chia sẻ đam mê, trong một tai nạn cực kỳ đáng tiếc. Đáng buồn hơn là, hậu quả này có thể đã không xảy ra, nếu giải đua có nhiều ngân sách hơn.

Bài học đắt giá

Không nhằm mục đích công kích và quy trách nhiệm bất kỳ ai, bài viết này được viết với mục đích chính cho thấy nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mất mát đáng tiếc của ngày hôm nay, đồng thời mong muốn cộng đồng có cái nhìn khác hơn trong việc tổ chức và quản lý sự kiện thể thao mạo hiểm.

Chúng ta phải nhìn vào những bi kịch như một cơ hội để học hỏi và tiến bộ. Sự thay đổi cần thiết mà người viết bài có thể nhận thấy trước mắt, là sự thay đổi góc nhìn và tư tưởng thường thấy về sân chơi “có là được, có còn hơn không” ở từ cả hai phía.

Để làm được việc này, cần sự hợp tác và ý thức từ tất cả mọi người, từ người chơi cho đến người tổ chức và cả cộng đồng chơi xe cào cào. Đối với người chơi, người xem có cùng niềm đam mê, hãy hiểu rằng việc tổ chức một sự kiện lớn bài bản cần kinh phí và công sức đóng góp không nhỏ của nhiều người. Đối với người tổ chức, có lẽ cần hiểu thêm rằng việc phát triển cộng đồng là quan trọng, tuy nhiên không thể đánh đổi bằng sự an toàn của người tham gia được.

Có 12 bình luận cho bài viết này:

  1. Duy đây! Lý Phát Việt Linh vào xem.

    Chia sẻ dưới đây được nói ra trên quan điểm của:

    – 1 người bạn thân của Chris
    – người phụ trách kết nối các hội nhóm, cơ quan nhà nước, gia đình và btc giải trong suốt quá trình tìm kiếm Chris.
    – người hỗ trợ btc trong quá trình chuẩn bị sự kiện, Duy ko phụ trách khâu vận hành và không phải là người có thẩm quyền đưa ra quyết định thay BTC giải đua.

    Chia sẻ của Duy với bài viết của anh như sau:

    Dồng ý với quan điểm chính của bài viết. Tuy nhiên, trong có nhiều thông tin lệch lạc cần được làm rõ:

    Trong sự cố diễn ra vừa rồi, ngân sách không phải là vấn đề chính, tìm kiếm được nhân lực đồng ý tham gia hỗ trợ giải mới là khó khăn chính. Thực tế, btc có thông báo về việc tìm kiếm tình nguyện viên cho giải (có trả phí), nhiều anh em trong cộng đồng xác nhận hỗ trợ cho vui mồm xong sau đó cancel phút chót. 1 cộng đồng không thể phát triển chỉ từ sự nỗ lực của 1 vài cá nhân.

    Số lượng người tham gia giải gặp chấn thương của giải này là kỷ lục, TUY NHIÊN, số lượng người tai nạn TRONG THỜI GIAN DIỄN RA SỰ KIỆN (t7 và CN) chỉ có 1 TRƯỜNG HỢP.

    Tại khu vực sự kiện có đội ngũ y tế và bộ đội biên phòng trực chiến để hỗ trợ trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, nên Linh nói nhiều người bị thương trong sự kiện và btc không có hỗ trợ y tế và phương án tìm kiếm cứu người là SAI SỰ THẬT. Tuy nhiên, việc cơ quan nhà nước có điều phối nguồn lực là 1 chuyện nhưng đội ngũ này phản ứng như thế nào khi tiếp nhận thông tin từ BTC là 1 việc hoàn toàn khác. Xin phép ko comment về việc này.

    Việc đưa ra phương án cứu hộ tại thời điểm tiếp nhận thông tin nằm ngoài quyền hạn của Duy, và Duy cũng xin phép không comment về các quyết định của BTC giải trong vấn đề này.

    Qua vụ việc lần này, tất cả những gì tôi có thể nói là: tại Việt Nam, môn chơi này không phải là 1 môn chơi chính quy khi hơn 80% xe tham gia các sự kiện là xe không có giấy tờ. Việc này dẫn đến rất nhiều rào cản trong việc tổ chức sự kiện, từ việc được cơ quan nhà nước cấp phép đến việc kêu gọi tài trợ để có kinh phí vận hành.

    HY VỌNG DUY NHẤT để có thể phát triển được phong trào của bộ môn này là sự đồng lòng và đóng góp của từng cá nhân khi tham gia các sự kiện cộng đồng chứ không phải tâm lý đóng phí tham gia, đến chơi rồi xách đít đi về.

    Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi VÔ CÙNG THẤT VỌNG VỀ CỘNG ĐỒNG NÀY, khi tôi kêu gọi sự trợ giúp từ các anh em tham gia giải để đi tìm người, thậm chí tôi đã cãi nhau với MC chương trình để giật mic thông báo nhưng không 1 ai từ hội cào cào đến trợ giúp ngoài anh Ninh Moto và bạn Tạo từ Hà Nội đã đồng ý chạy thêm 1 vòng track để tìm người. Chỉ có 1 số anh em bên hội xe 4×4 và đội media của team 4×4 (cảm ơn các anh em) đã đồng ý hỗ trợ để chia ra thành nhiều hướng tìm kiếm cùng với flycam.

    Giá như có được sự trợ giúp của 30, 40% của người tham gia thôi thì đã tìm được người sớm hơn nhiều, tôi tin chắc là như vậy.

    Đến 18h00, tôi chứng kiến từng anh em ra về trong vô vọng, chỉ còn 1 nhóm nhỏ các anh em xe điện và vài anh em cào cào ở lại, có lẽ mạng người đối với anh em nhẹ quá.

    Sau khi biết kết quả của cuộc tìm kiếm, vẫn rất nhiều anh em ăn mừng kết quả thi đấu của mình mặc dù đã có người bỏ mạng. Thật đáng xấu hổ cho những con người không có lương tâm đó. Không cần biết bạn có quen biết với người đã mất hay không, nhưng đó là 1 người tham gia giải, 1 người anh em của cộng đồng, khi người đã mất thì không có chiến thắng nào là vẻ vang nữa. Thiết nghĩ tất cả những người tham gia giải vừa rồi nên tự coi lại lương tâm mình đi.

    Nói tóm gọn lại, với những rào cản về pháp lý và những con người như vầy, cái cộng đồng này còn lâu mới phát triển được.

    Nói thì dễ lắm, ai cũng có mồm. Bắt tay vào làm đi.

    Chào tạm biệt!

    1. Nhìn rộng ra khu vực thì kiểu chơi của đại đa số hội nhóm của các bạn Việt Nam mình rất là hổ lốn và nặng về “tiếng gáy” quá… Thêm nữa là tinh thần tương trợ nhau rất yếu.

      1. vậy chơi sao mới đúng vậy bạn? VN mình mới có môn này chắc được vài năm chớ gì? Khu vực người ta chơi biết bao lâu rồi đó bạn ơi

        1. Nhìn người ta chơi mà học hỏi bồ… Và bớt cái tôi/bớt gáy/bớt hỏi lung tung.
          Đừng đưa lý do mới chơi để đổi mạng người… Phải có tâm và có tầm… Và chắc chắn phải có cố va61nva2 trau dồi kỹ thuật.

          1. Trời có ai đổ thừa đâu ông. Ý tôi là ai sẽ là người chỉ cho anh em chơi đúng đây? Cũng cần thời gian cho cộng đồng họ học hỏi rút kinh nghiệm từ từ chứ. Cào cào mấy năm nay mới thấy được vài mống chớ vài năm trước làm gì có ai chơi đâu?
            Vả lại không biết thì mới phải hỏi chứ nhìn không mà chạy được thì xem youtube rồi ra đua luôn chứ tập tành làm chi nữa ông.

    2. Kêu gọi đóng góp cá nhân giống như lập đàn cầu mưa vậy. Lúc có, lúc thì lại không, nếu có thì mừng quá, nếu không thì không thể ngửa đầu lên chửi đổng ông trời được. Hữu xạ tự nhiên hương, sự mất này sẽ là lời cảnh tỉnh cho cả bộ môn và mình tin rằng nó sẽ tốt hơn. Btc sẽ kĩ càng đầu tư hơn, người chơi sẽ nhận thức rõ hơn về những tai nạn sống chết.

      Respect to Mr Chris

      1. Kêu gọi cộng đồng kiểu này là không chuyên nghiệp rồi “Thực tế, btc có thông báo về việc tìm kiếm tình nguyện viên cho giải (có trả phí), nhiều anh em trong cộng đồng xác nhận hỗ trợ cho vui mồm xong sau đó cancel phút chót”

        Phải đăng tuyển dụng – Ký hợp đồng có cam kết giữa các bên.

        Chứ người Việt (hay bất cứ người nước nào) mà ký hợp đồng nước bọt thì coi như xong.

    3. Hello Duy,

      Cảm ơn phản hồi và đính chính của Duy. Dưới góc nhìn của một người duy nhất, tất nhiên mình sẽ không biết cặn kẽ được mọi chuyện xảy ra và được giải quyết như thế nào. Thêm nữa, quan điểm trên dựa vào quan sát qua nhiều giải thi đấu khác nhau, không chỉ riêng một sự kiện lần này.

      Mặc dù vậy, những điểm Duy vừa nêu về việc kêu gọi cứu hộ không được đáp ứng, cũng đồng thời khẳng định thêm quan điểm của mình, là các biện pháp hỗ trợ và quản lý đường đua, cùng phương án dự phòng khi rủi ro xảy ra, đã chưa được suy nghĩ thấu đáo. Trong điều kiện và hoàn cảnh của một sự kiện thể thao mạo hiểm như thế này, thì phòng bệnh hơn chữa bệnh, hợp lý chứ?

      Công việc xây dựng cộng đồng, như đã chia sẻ ở trên, hoàn toàn đồng ý, không hề dễ, một người không thể làm được. Khó khăn không phải ai cũng thấy, làm không mấy ai làm. Do đó, bài viết được viết với mục đích chính là cho nhiều người thấy, từ việc thấy, hy vọng sẽ có một số ít bắt đầu làm.

      Thân.

    4. Mình thấy thật vô lý khi bạn Duy cho rằng lỗi nằm ở cộng đồng.

      1. Lượng người hỗ trợ mình không biết có bao nhiêu, đã làm những gì, nhưng cá nhân mình là người tham gia giải thì mình thấy được lực lượng hỗ trợ chính là những người dân, họ rất nhiệt tình và rất đông, anh em nào tham gia giải có thể xác nhận điều này.

      Tuy nhiên, lại không được phân bổ đều khắp track đua mà chỉ đứng ở một số đoạn nhất định, những đoạn khó như phía hải đăng thì lại rất vắng.

      Thậm chí không có người đứng checkpoint.

      Điều này dẫn đến 2 vấn đề:
      1. Vận động viên chạy nhầm track giữa các hạng mục
      2. Vận động viên lạc hẳn ra khỏi track

      Nếu ban tổ chức bố trí và thiết kế những điểm đứng có lán che và kêu gọi người dân đứng tản ra dọc theo đường đua hoặc có đủ người đứng checkpoint thì ít nhiều đã không xảy ra những mất mát đáng tiếc.

      2. Track đua đợt này là một track đua khó. Cá nhân mình ước tính phải đến 70% người tham gia không hoàn thành được chặng đua thì làm sao mà tham gia cứu trợ? Không tự lượng sức thì có khi lại thành gánh nặng, đi tham gia cứu trợ để rồi phải nhờ người khác cứu mình thì chẳng phải là thành trò hề sao?

      3. Mình không biết tin tức Cris mất tích được thông tin lần đầu vào lúc nào. Nhưng mình biết ban tổ chức đã không thông tin một cách nghiêm túc và đầy đủ. Chỉ đến khi mà cả 2 bộ môn thi đấu đều đã kết thúc, nhiều vận động viên đã rục rịch ra về thì mới có thông báo là Cris mất tích, mình nhớ lúc đó cũng đã khoảng 4g-5g gì đó, ước tính Cris cũng đã mất tích 4-6 tiếng rồi.

      Và mọi người cũng có thể hiểu được, thời điểm cuối giải là thời điểm mà thể lực của mọi người ở đó cũng đã rất cạn kiệt, thậm chí phương tiện xe cộ cũng đa phần đã rã rời sau 2 ngày.

      Vì vậy, việc cộng đồng đa phần không thể tham gia cứu trợ là điều có thể hiểu được => Việc lên tiếng trách móc cộng đồng chỉ thể hiện thêm sự yếu kém và vô trách nhiệm của ban tổ chức.

      4. Checkpoint thì không được bố trí đều khắp map, nhưng thậm chí kể cả thiết bị ghi hình cũng được bố trí rất hạn chế quanh khu vực lều trung tâm và điểm xuất phát.

      Ngoài các khu vực đó ra thì mình không thấy bất kì thiết bị ghi hình nào được bố trí ở các phần còn lại của đường đua.
      Điều này dẫn đến các vấn đề:
      1. Đơn giản và dễ thấy nhất, các cổ động viên cảm thấy rất chán nản khi không có cách nào quan sát được trọn vẹn giải đua. Chỉ ngồi ở giữa, theo dõi đoạn xuất phát và nghe tiếng pô hết phần đua còn lại.

      2. Ban tổ chức và đội ngũ hỗ trợ chắc chắn không nắm hết được diễn biến đường đua thế nào.

      1. m đi xem bạn mình đua thấy bạn m bảo có mấy đứa mắc kẹt kêu đi cứu nó, mà o biết đi ra chỗ nó kẹt như nào với kím nó ở đâu. CA bắt đi bộ đau có cho đem xe vô

        1. Đúng rồi, map đua rất rộng. Chính vì vậy mà mình nói nên phân bổ người dân đứng dọc khắp đường đua để khi có vận động viên bị nạn thì sẽ có người hỗ trợ.

          Hoặc ít nhất có người đứng dọc map cũng sẽ giúp vận động viên không bị lạc đường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *